Nâng cao chất lượng nguồn lao động, yếu tố quan trọng để các KCN Bắc Ninh phát triển bền vững
07:09 15/11/2010
Nguồn nhân lực là một bộ phận dân số trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được biểu hiện trên hai mặt: về số lượng đó là tổng số những người trong độ tuổi lao động làm việc theo quy định của Nhà nước và thời gian lao động có thể huy động được từ họ; về chất lượng, đó là sức khoẻ và trình độ chuyên môn, kiến thức và trình độ lành nghề của người lao động.
(Bài tham luận tại Đại hội Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh năm 2010)

Nguồn nhân lực là một bộ phận dân số trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được biểu hiện trên hai mặt: về số lượng đó là tổng số những người trong độ tuổi lao động làm việc theo quy định của Nhà nước và thời gian lao động có thể huy động được từ họ; về chất lượng, đó là sức khoẻ và trình độ chuyên môn, kiến thức và trình độ lành nghề của người lao động.

 

1. Nguồn lao động là bộ phận quan trọng nhất trong nguồn nhân lực:

Nguồn lao động là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay không thành công trong việc phát triển các KCN. Do đó nâng cao chất lượng nguồn lao động là nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp đồng bộ, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu lâu dài để các KCN phát triển bền vững.

Nguồn lao động là tổng số những người trong độ tuổi lao động quy định đang tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm. Nguồn lao động cũng được hiểu trên hai mặt: số lượng và chất lượng. Như vậy theo khái niệm này, có một số được tính là nguồn nhân lực nhưng lại không phải là nguồn lao động, đó là: Những người không có việc làm nhưng không tích cực tìm kiếm việc làm, tức là những người không có nhu cầu tìm việc làm, những người trong độ tuổi lao động quy định nhưng đang đi học…

 

2. Thực trạng chất lượng lao động trong các KCN Bắc Ninh

Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, với số dân trên 1 triệu người (trong đó nữ chiếm 50,8%), mật độ dân số cao. Nguồn bổ sung hàng năm vào khoảng 12% tức khoảng 122.000 trong độ tuổi lao động. Theo báo cáo thì từ 2010 đến 2015 tỉnh ta cần tạo thêm chỗ làm việc mới khoảng 110.000 lao động (kể cả số lao động tồn đọng các năm chuyển sang), bình quân mỗi năm phải tạo thêm khoảng trên 22.000 chỗ làm việc mới.

 

Về số lượng lao động         

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy nguồn lao động của tỉnh Bắc Ninh rất dồi dào, tuy nhiên đi vào phân tích kỹ sẽ thấy:

Hàng năm số học sinh tốt nghiệp THPT khoảng 50.000 h/s, tỉ lệ theo học đại học và cao đẳng của tỉnh Bắc Ninh vào khoảng 35%. Như vậy sẽ có khoảng 17.500h/s tiếp tục đi học. Một phần lớn số học sinh tham gia học trung cấp, học nghề hoặc phụ giúp gia đình, làm nghề thủ công hoặc tiếp tục làm nông nghiệp. Số còn lại có khả năng vào làm trong các KCN chỉ chiếm khoảng 10 – 15% (tương đương 6-7,5 ngàn người).  

Vấn đề lao động đã trở thành tâm điểm kéo theo sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp. Việc thiếu lao động đã xảy ra tình trạng "Câu lao động". Rất nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu khi giải bài toán nhân sự.

Theo phân tích tại báo cáo đánh giá 10 năm phát triển KCN thì đến thời điểm này đã cơ bản đáp ứng được sự cân bằng về việc làm dôi dư lao động do thu hồi đất phát triển các KCN. Tuy nhiên trong thời gian tới thì đường cung lao động địa phương có xu hướng đi xuống, trong khi đường cầu lao động lại tịnh tiến lên trên. Làm sao để cung và cầu lao động cân bằng phải tính đến yếu tố thu hút lao động ở các vùng phụ cận, tạo liên kết vùng và khu vực.

 

Về Trí lực, thể lực

Người Bắc Ninh có truyền thống cần cù, thông minh, ham học hỏi, cầu tiến bộ, có ý chí và tinh thần tự lực tự cường dân tộc, phát triển khá về thể lực, trí lực, có tính cơ động cao. Có thể tiếp thu nhanh kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có thể nói đây là một trong những lợi thế so sánh của tỉnh ta trong quá trình doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư.

Ngoài những điểm mạnh thì thực tế cho thấy những điểm yếu cũng không thể không thừa nhận là trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng trình độ và kinh nghiệm quản lý của người Việt Nam còn rất thấp, chưa kể những tác hại của thói quen sản xuất nhỏ.

Kỹ năng làm việc của lao động có trình độ, đặc biệt các lao động mới ra trường là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chủ doanh nghiệp, các cán bộ phụ trách nhân sự thì nguyên nhân chính của thực trạng này nảy sinh ngay từ trong giảng đường, sinh viên chỉ được học kiến thức mà chưa được rèn luyện kỹ năng. Nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường và vừa đào tạo vừa phải lo lắng vì nhân viên luôn có ý định nhảy việc, tìm công việc mới để có thêm "kinh nghiệm".

Khả năng tư duy

Nguồn nhân lực với xuất phát điểm thấp. Từ nền kinh tế nông nghiệp, phong cách tư duy còn mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, thủ công, lạc hậu. Sản xuất và quản lý bằng kinh nghiệm theo kiểu trực giác. Lao động chưa được đào tạo và rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp hiện đại nên hiệu xuất lao động chưa được đề cao và đánh giá đúng mức.

Hiện nay về cơ bản tỉnh ta mới đáp ứng đủ yêu cầu về lao động phổ thông, còn số lao động có trình độ thì một số doanh nghiệp vẫn phải đưa lao động là người bản xứ sang. Lao động có trình độ cao làm việc trong các doanh nghiệp chủ yếu làm công tác phiên dịch, còn lao động đòi hỏi có tay nghề, làm kỹ thuật thì rất ít bởi đào tạo chưa theo sát sự phát triển công nghiệp, không biết ngoại ngữ, hơn nữa các doanh nghiệp cũng tìm cách trì hoãn chuyển giao công nghệ.

Theo thống kê thì khoảng 74% lao động chấp nhận chỗ làm việc ổn định và có ý định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, 24% lao động không xác định làm việc lâu dài, sẵn sàng “nhẩy” sang các doanh nghiệp có mức lương cao hơn. Khoảng 2% lao động thiếu việc làm do trình độ kém, ý thức kém, thể trạng không đảm bảo... nên bị doanh nghiệp này cho nghỉ khi sang doanh nghiệp khác cũng không đáp ứng được. Theo thống kê sơ bộ chỉ có khoảng 50% lao động có đào tạo được làm đúng nghề: Các nghề như kế toán, cơ khí, điện, còn công việc quản lý hành chính hoặc nhân sự là tỉ lệ làm trái nghề nhiều nhất.

 

Sự lạc hậu, non kém về trình độ

Trình độ lao động kỹ thuật của ta vừa thiếu, vừa yếu, vừa bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo. Tình trạng thừa thầy nhưng thiếu thợ đã được mổ xẻ tuy nhiên chưa được cải thiện.

Trong quan hệ lao động, trình độ, năng lực của người lao động, sự sắc sảo, mềm dẻo, nhạy bén, linh hoạt trong công việc ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của họ. Để giảm những bất lợi, tạo ra sự chuyên nghiệp trong làm việc thì người lao động phải được trang bị các kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp, ngoại ngữ, lao động, kỷ luật, tác phong lao động và nhận thức được mối quan hệ chủ - thợ trong nguyên tắc làm việc. Phải được đào tạo nâng cao hiểu biết phong tục tập quán của mỗi nước.

 

3. Nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng cho doanh nghiệp trong KCN thời gian tới

Hiện nay, mục tiêu phát triển của tỉnh xác định là phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tạo nguồn nhân lực dồi dào cho tỉnh sẽ góp phần quan trọng có tính quyết định để thực hiện mục tiêu trên.

Một là: Phải xác định cho rõ nguồn lao động là tài nguyên quý của tỉnh trong công cuộc đổi mới và phát triển. Cần phải lấy nguồn lao động làm tài nguyên lợi thế, gọi là tài nguyên nguồn lao động, hoặc tài nguyên con người. Cần có chính sách đầu tư hợp lí nhằm thu hút nguồn lao động của các vùng lân cận về với Bắc Ninh. Tạo ra môi trường sống hấp dẫn để giữ chân họ sống và làm việc với Bắc Ninh.

Hai là: Hãy thay đổi chiến lược xúc tiến đầu tư, không thu hút dự án sử dụng nhiều lao động. Cần khuyến khích doanh nghiệp sử dụng đa dạng đối tượng lao động, không phân biệt giới tính, độ tuổi...

Ba là: Nâng cao chất lượng bằng chính cải thiện và nâng cấp hạ tầng xã hội, coi đó là biện pháp tăng thu nhập cho người lao động. Trước mắt tập trung xây dựng nhà ở cho người lao động theo nhiều hình thức.

Bốn là: Cải thiện thông tin để người lao động có lựa chọn đúng đắn, phù hợp khả năng…

Năm là: Đưa giáo dục hướng nghiệp sát thực tế hơn, rèn kĩ năng để có thể tham gia lao động được ngay (cần những gì).

Sáu là: Hệ thống các tổ dịch vụ cung ứng nguồn lao động cần được tổ chức lại và có những hình thức hoạt động phù hợp nhằm tạo nguồn cung ứng kịp thời đồng thời có cảnh báo để điều chỉnh chính sách kịp thời cho người lao động…

                       Bùi Ngọc Thắng-Chuyên viên phòng QL Lao động

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION CERTIFICATE OF ELIGIBILITY FOR LABOR SAFETY AND HYGIENE TRAINING ACTIVITIES
Rate exchange