Với những giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các cơ sở đẩy mạnh sản xuất và thực hiện các giải pháp linh hoạt như chuyển hướng xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết hợp xây dựng quảng bá hình ảnh địa phương; thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động và chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư…công nghiệp Bắc Ninh đang vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển.
Từ giữa năm 2009, sản xuất công nghiệp Bắc Ninh bắt đầu phục hồi do các gói kích cầu phát huy tác dụng, nhiều doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất có điều kiện mở rộng sản xuất. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2009 ước 18.948,4 tỷ đồng, vượt 8,3% kế hoạch(kế hoạch điều chỉnh 17.500 tỷ đồng), tăng 18,54% so với năm 2008.
Mặc dù chịu sự tác động mạnh của suy thoái kinh tế do hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thuộc các tập đoàn và công ty lớn trên thế giới có thị trường chính là xuất nhập khẩu, tham gia ở mức độ sâu, rộng vào kinh tế toàn cầu. Nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành năng động của tỉnh, sự nỗ lực của doanh nghiệp, từ đầu quý II, các doanh nghiệp này có sự phục hồi nhanh, vừa tái cấu trúc vừa mở rộng quy mô sản xuất. Toàn tỉnh có thêm 20 dự án mới đi vào hoạt động góp phần đưa giá trị sản xuất tăng 29,24% so năm 2008, chiếm 41,27% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đặc biệt Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong) là dự án có quy mô lớn chiếm 11% giá trị sản xuất khu vực này, cùng sự phục hồi của Công ty TNHH Canon Việt Nam trong những tháng qua đã tác động đáng kể đến tăng trưởng chung. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh, nhất là KCN phụ trợ Quế Võ.
Các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay tuy chỉ còn 16 đơn vị hoạt động, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất công nghiệp địa phương với việc nắm giữ và duy trì khối lượng khá lớn sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất như sữa, thuốc lá, kính các loại, gạch, sản phẩm may mặc…Từ việc sản xuất ổn định trở lại của một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Bắc Sơn, Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn,…giá trị sản xuất đạt 1.692,48 tỷ đồng, vượt 21,76% kế hoạch điều chỉnh.
Ổn định và phát triển bền vững vẫn là khu vực kinh tế ngoài nhà nước bởi chịu tác động không lớn của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, khu vực này tham gia hội nhập chưa sâu, tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu thấp hơn các khu vực khác. Mặt khác, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ cá thể nên dễ thích ứng, phục hồi khi được hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc thực hiện các giải pháp như giảm lãi suất tín dụng, bảo lãnh tín dụng, giảm, hoãn nộp một số loại thuế…Do vậy, đây vẫn là khu vực có mức độ tăng trưởng ổn định, năm 2009 giá trị sản xuất vượt 0,26% kế hoạch. Trong các ngành quan trọng của công nghiệp ngoài quốc doanh Bắc Ninh là công nghiệp sắt, giấy và gỗ, thì các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ sớm chủ động nắm bắt thị trường trong nước khi thị trường xuất khẩu Trung Quốc có biểu hiện khó khăn. Ngành công nghiệp sắt đã có dấu hiệu sản xuất trở lại khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và khi có một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ…Tuy nhiên, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sắt thép, giấy hiện nay phần lớn đang sử dụng công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh hạn chế. Do yêu cầu thực tế thị trường sắt thép trong nước vẫn phát triển nên Bắc Ninh đang xem xét, nghiên cứu việc mở rộng khu công nghiệp Châu Khê nhưng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tự động, bán tự động cán, kéo thép liên hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong tiến trình hội nhập.
Có thể nhận thấy công nghiệp Bắc Ninh đang phục hồi trở lại với nhiều sắc màu tươi mới. Cùng với việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phát triển làng nghề và ngành nghề phi nông nghiệp, Bắc Ninh đang chủ động trong lĩnh vực xúc tiến thu hút đầu tư như trực tiếp tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế vừa xây dựng, quảng bá hình ảnh, lợi thế các KCN; tìm hiểu thông tin kinh tế và thiết lập mối quan hệ với các nước phát triển vừa hợp tác ký kết với nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn ở các quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng nguồn vốn vào Việt Nam./