Năm 2008, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu dẫn đến sự suy thoái kinh tế của nhiều quốc gia. Cầu về hàng hoá, sức mua của người dân trên thị trường giảm, lượng hàng tồn kho lớn buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng sản xuất, doanh thu giảm, thất nghiệp gia tăng - đây cũng chính là nguyên nhân làm cho thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt về cuối quý 4/2008 và đầu năm 2009 giảm đáng kể. Việc thực hiện chế độ thưởng cuối năm cho người lao động của các doanh nghiệp KCN Bắc Ninh là một nỗ lực lớn nhằm động viên, hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn về đời sống vật chất tinh thần, gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp tạo nên sự ổn định trong sản xuất của doanh nghiệp.
Triển khai kế hoạch của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh để nắm bắt tình hình sản xuất của doanh nghiệp các KCN Bắc Ninh trước, trong, sau Tết nguyên đán; việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng Tết đối với người lao động và công tác đảm bảo an ninh trật tự của doanh nghiệp trong dịp Tết. Sau khi làm việc trực tiếp với Ban lãnh đạo của 23 doanh nghiệp, nắm bắt tình hình các doanh nghiệp còn lại thông qua báo cáo, với kết quả cụ thể như sau:
Do nhu cầu của thị trường giảm, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đủ đảm bảo cung cấp cho thị trường trong thời gian Tết; mặt khác, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu năm chưa mấy sáng sủa nên các doanh nghiệp không tổ chức sản xuất trong dịp Tết. Thực tế, việc cắt giảm sản lượng sản xuất đã được các doanh nghiệp KCN thực hiện từ tháng 10/2008 với lượng cắt giảm bình quân từ 5% - 10% sản lượng kế hoạch năm 2008.
Thời gian nghỉ Tết của người lao động được các doanh nghiệp kéo dài hơn so với thời gian quy định của Luật lao động và so với mọi năm. Đa số các doanh nghiệp bố trí cho người lao động nghỉ 8 ngày bắt đầu từ ngày 24/01/2009 (tức ngày 29/12 năm Âm lịch) đến hết ngày 02/02/2009 (tức ngày mùng 8 Tết). Thời gian nghỉ bao gồm: 04 ngày nghỉ theo quy định, 01 ngày nghỉ bù, các ngày còn lại được tính vào ngày phép của người lao động trong năm 2008, 2009. Cá biệt có 01 DN cho công nhân nghỉ Tết từ 18/01/2009 (tức 23/12 âm lịch) đến hết ngày 16/02/2009, tổng số ngày nghỉ là 29 ngày – nguyên nhân, do lượng hàng tồn kho của nhà máy lớn, hiện lượng hàng này bằng khoảng 45 ngày sản xuất.
Sau Tết nguyên đán, đa số các doanh nghiệp tổ chức sản xuất bình thường theo kế hoạch, một số doanh nghiệp do khó khăn v? thị trường và đơn hàng trong dịp đầu năm nên bố trí công nhân luân phiên làm việc. Sản lượng sản xuất năm 2009 được các doanh nghiệp duy trì ở mức tương đương sản lượng năm 2008 nhằm duy trì thị trường hiện có, tìm kiếm thị trường mới và chờ đợi cơ hội sản xuất tốt hơn trong thời gian tới.
Công tác an ninh trật tự được các doanh nghiệp hết sức quan tâm chú trọng. Các doanh nghiệp đều thực hiện ký cam kết với Công an tỉnh (Phòng PA17) về việc không để xẩy ra hiện tượng đốt pháo nổ tại khu vực của doanh nghiệp, quán triệt người lao động về ăn Tết tại địa phương nghiêm túc, chấp hành quy định về việc không được tàng trữ, vận chuyển, sử dụng và đốt pháo nổ tại địa phương. Xây dựng phương án bố trí lực lượng bảo vệ của Công ty, các Công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng trực Tết của Công ty, bảo vệ của Công ty hạ tầng, Cụm an ninh KCN và Công an địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.
Chế độ đối với người lao động trong dịp Tết được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật. Các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật, người lao động đều được chi trả 100% lương (bao gồm cả các ngày doanh nghiệp bố trí cho lao động nghỉ thêm tính vào phép năm); những ngày doanh nghiệp cho người lao động nghỉ luân phiên, chờ việc…người lao động được hưởng 70% - 75% lương. Lực lượng bảo vệ, cán bộ, công nhân tham gia trực Tết đều được hưởng 300% lương, ngoài ra doanh nghiệp còn có chế độ thưởng, đảm bảo công tác hậu cần khi tham gia trực Tết.
Các doanh nghiệp đã thực hiện chi trả xong tiền lương tháng 12/2008, cho ứng trước một phần tiền lương tháng 01/2009 và có chế độ thưởng Tết đối với người lao động. Mức thưởng Tết được các doanh nghiệp tính toán dựa trên cơ sở: thâm niên công tác; kết quả xếp loại lao động theo mức A, B, C; thu nhập bình quân của người lao động trong năm, doanh thu của doanh nghiệp…Qua nắm bắt nhận thấy: hầu hết người lao động làm việc tại các KCN đều được các doanh nghiệp thưởng trong dịp Tết, mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng (lao động làm việc dưới 3 tháng), mức cao nhất có thể lên tới trên 20 triệu đồng (tuỳ theo vị trí, thâm niên và kết quả lao động). Hình thức thưởng Tết được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất là thưởng tháng lương thứ 13 trên cơ sở mức lương cơ bản của người lao động. Một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt dự kiến thực hiện thưởng Tết tháng lương thứ 13 cho người lao động theo mức thu nhập bình quân trong năm 2008, với mức thưởng như vậy, bình quân chung người lao động được nhận khoản tiền thưởng Tết khoảng trên 2 triệu đồng/người. Ngoài mức thưởng trên, nhân dịp đầu năm mới một số doanh nghiệp sẽ “lì xì" cho người lao động mức từ 100.000đ trở lên tại buổi gặp mặt đầu năm.
Trước thực tế khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN thời gian qua, việc thực hiện chế độ thưởng Tết đối với người lao động là một nỗ lực lớn của doanh nghiệp. Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động, việc thưởng Tết của doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ người lao động khắc phục một phần khó khăn về đời sống vật chất trong dịp Tết, mà còn tạo nên sự động viên lớn về mặt tinh thần cho người lao động. Qua đó, người lao động gắn bó lâu dài hơn đối với doanh nghiệp, góp phần ổn định lao động để tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới./.
Hoàng Thị Thu Hải