Gần một năm qua, mặc dù phải đối mặt với những yếu tố không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh như giá nguyên vật liệu, nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đồng loạt và kéo dài tiềm ẩn những rủi ro trong sản xuất…nhưng từ sự chủ động khắc phục khó khăn của doanh nghiệp cùng với gia tăng năng lực sản xuất mới, công nghiệp Bắc Ninh tiếp tục phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng cao.
Theo số liệu từ sở Kế hoạch-Đầu tư, đến giữa tháng 6-2008 đã cấp đăng ký kinh doanh cho 307 doanh nghiệp, trong đó 101 công ty cổ phần; 175 công ty TNHH và 31 doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, sau hơn 8 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bắc Ninh đã phát triển từ gần 100 doanh nghiệp đầu năm 2000 lên hơn 2.600 doanh nghiệp hiện nay. Các cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích đầu tư, trợ giúp được ban hành nhanh chóng đến với doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Tuy phát triển nhanh với số lượng lớn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp được thành lập có quy mô nhỏ, số vốn không quá 5 tỷ đồng, bộ máy quản lý, điều hành gồm giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ... vẫn theo lối "gia đình trị". Không ít chủ doanh nghiệp chưa qua đào tạo cơ bản, trình độ và năng lực quản lý kinh tế hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật…nên không xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh tuỳ tiện là nguyên nhân chủ yếu việc vi phạm Luật Doanh nghiệp hoặc phá sản. Đã có không ít trường hợp thành lập công ty nhằm che đậy những hoạt động trái luật pháp như chiếm đất, buôn bán hoá đơn giá trị gia tăng, chiếm dụng vốn tín dụng, ngân hàng, hoặc trốn thuế bằng nhiều hình thức…bị các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý.
Với định hướng phát triển mạnh công nghiệp, những năm qua, bên cạnh việc thu hút đầu tư từ bên ngoài, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các hộ sản xuất cá thể ở khu vực làng nghề, tạo điều kiện giúp họ trở thành doanh nghiệp. Tuy nhiên một số khó khăn đang nảy sinh cản trở đến tốc độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh là thiếu mặt bằng và vốn sản xuất. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực các làng nghề như gỗ Đồng Kỵ, sắt thép Châu Khê (Từ Sơn)…không vay được nguồn vốn tín dụng, ngân hàng đang phải hoạt động cầm chừng. Tại xã Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) việc thiếu mặt bằng sản xuất đang đẩy nhiều cơ sở sản xuất giấy vào tình trạng phải tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch UBND xã Phong Khê băn khoăn vì địa phương có khá nhiều hộ sản xuất cá thể có đủ khả năng phát triển thành doanh nghiệp nhưng thiếu mặt bằng mở rộng quy mô. Do vậy nhiều hộ đã tự san lấp ruộng cấy lúa thành nhà xưởng. Thực tế này cho thấy Nhà nước cần có những chủ trương phù hợp về quỹ đất để khuyến khích các doanh nghiệp ở các làng nghề phát triển sản xuất thêm hiệu quả, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo định hướng của tỉnh, trong nửa cuối năm nay, Bắc Ninh điều chỉnh một số chỉ tiêu trong đó sẽ tăng 5% giá trị sản xuất công nghiệp so kế hoạch ban đầu (từ 14.500 tỷ đồng lên 15.250 tỷ đồng). Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp hết sức nỗ lực thu hút đầu tư, đồng thời thúc đẩy tăng nhanh về số lượng và chất lượng doanh nghiệp trên địa bàn mà các làng nghề luôn là khu vực nhiều tiềm năng. Với những chính sách phù hợp, chắc chắn Bắc Ninh sẽ đạt được mục tiêu, ngày càng tiến nhanh trên lộ trình CNH, HĐH.
Nguyễn Đăng Sản