Qua kiểm tra 20 doanh nghiệp với 26 dự án đầu tư chiếm 8,4% tổng số dự án được cấp phép (25 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án đầu tư nước ngoài: 16 dự án đi vào hoạt động, 03 dự án hoàn thiện nhà xưởng nhưng chưa đi vào hoạt động, 02 dự án ngừng hoạt động, 05 dự án chưa triển khai xây dựng) tại các KCN cho thấy:
- Số ít dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đăng ký tại GCNĐT: Công ty TNHH Tiến Hưng xản suất bột mì cao cấp, Công ty TNHH Tân Thành Đồng sản xuất bao bì công nghiệp, Công ty đầu tư và xây dựng Hà Nội sản xuất ống cống bê tông đúc sẵn.
- Một số dự án đi vào hoạt động nhưng triển khai chậm so với tiến độ đăng ký: Công ty CP thiết bị áp lực Đông Anh, Chi nhánh Công ty CP Thái Bình Dương (đang chạy thử), Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo…
- Dự án quy mô nhỏ, năng lực đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp dẫn đến hoạt động cầm chừng, sản xuất theo mùa vụ: Công ty TNHH xây dựng Thành Nam, Công ty TNHH thiết bị dạy nghề LB, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thuận Thành...
- Dự án xác định mục tiêu đầu tư dàn trải dẫn đến hoạt động cầm chừng hoặc phải chuyển sang cho thuê nhà xưởng: Công ty cổ phần dược liệu Trung ương II Bảo Lâm, Công ty TNHH Khải Hoàng, Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Thái Sơn…
- Dự án hoàn thiện nhà xưởng nhưng chậm đi vào hoạt động theo tiến độ đăng ký: Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và sản xuất Tùng Lâm diện tích thuê đất 10ha; Công ty TNHH phát triển hạ tầng Hà Nội 1000 năm diện tích thuê đất 0,4ha và Công ty TNHH Ban Mai diện tích thuê đất 3,5ha.
- Dự án ngừng hoạt động do xác định mục tiêu đầu tư không khả thi: Công ty TNHH Tiến Hưng với mục tiêu sản xuất bao bì, chế biến xuất ăn công nghiệp, nước giải khát không cồn, mì ăn liền; Công ty cổ phần hoá chất Thái Bình Dương…
- Dự án xây dựng khu trung tâm điều hành, sản xuất, nghiên cứu thực nghiệm phục vụ sản xuất và khu nhà nghỉ công nhân KCN Tân Hồng – Hoàn Sơn của 06 doanh nghiệp (Quân Sơn, Bu lông ốc vít Từ Sơn, Phúc Quang Hồng Anh, Dược Bảo Lâm, Tân Thành Đồng, Toàn Lực) đã chậm tiến độ quá 12 tháng không triển khai.
* Từ kết quả trên cho thấy:
- Các dự án đầu tư trong nước được cấp phép từ năm 2000÷2005 chưa có điều kiện lựa chọn, nên chất lượng dự án thấp. Dự kiến khoảng 30% số dự án vốn đầu tư trong nước được cấp phép trong thời kỳ này hiệu quả thấp. Đặc biệt các doanh nghiệp vào các Khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn đang có xu hướng chuyển nhượng tài sản, rút lui dự án đầu tư.
*Ban quản lý các Khu công nghiệp đã có biện pháp để giải quyết những tồn tại trên:
- Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra đối với các dự án không triển khai xây dựng, ngừng hoạt động kéo dài, triển khai xây dựng chậm tiến độ đăng ký … để thu hồi GCNĐT. Đến thời điểm 30/6/2008 đã thụ lý hồ sơ thu hồi 37 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 86,62 tr.USD (30 dự án đầu tư trong nước; 7 dự án đầu tư nước ngoài với 28 dự án cấp GCNĐT từ năm 2001÷2005; 9 dự án cấp GCNĐT sau năm 2005).
- Tập trung rà soát việc thực hiện mục tiêu đầu tư đăng ký tại Giấy chứng nhận đầu tư. Thu hồi các mục tiêu đăng ký mà không triển khai hoặc triển khai chậm.
- Hạn chế việc bổ sung mục tiêu cho thuê nhà xưởng, chỉ xem xét cấp bổ sung mục tiêu cho thuê nhà xưởng khi mục tiêu chính sản xuất kinh doanh đã đi vào hoạt động mà vẫn còn nhà xưởng, văn phòng dư thừa.
- Tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, xác định những dự án ưu tiên vốn lớn, công nghệ cao, diện tích sử dụng đất ít… theo hướng tạo lập, ngành mũi nhọn (điện, điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, chế biến lương thực, thực phẩm công nghệ cao) và tạo lập chuỗi công nghiệp phụ trợ; Bố trí dự án theo đúng quy hoạch chi tiết KCN đã được phê duyệt.
- Thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp KCN tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Chỉ đạo các Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai đầu tư đúng tiến độ.
Dương Đình Thuân