TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KCN BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2010-2015
07:08 15/11/2010
Các KCN Bắc Ninh đã và đang xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn. Tỉnh Bắc Ninh chủ trương xây dựng KCN tập trung hướng tới phát triển bền vững; bên cạnh sự chuyển biến tích cực về mặt kinh tế là những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái do KCN gây ra. Các loại ô nhiễm mà các KCN gây ra cho môi trường chính là ô nhiễm nước thải, khí thải và chất thải rắn. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác môi trường đối với đời sống - xã hội, những năm qua Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN nhằm hạn chế tối đa những tác hại từ sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến đời sống người lao động và khu vực dân cư lân cận. Vì vậy, “để tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển các KCN Bắc Ninh giai đoạn 2010-2015”.

(Bài tham luận tại Đại hội Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh năm 2010)

Ks.Trịnh Hoàng Long

Trưởng phòng Môi trường

 

Các KCN Bắc Ninh đã và đang xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn. Tỉnh Bắc Ninh chủ trương xây dựng KCN tập trung hướng tới phát triển bền vững; bên cạnh sự chuyển biến tích cực về mặt kinh tế là những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái do KCN gây ra. Các loại ô nhiễm mà các KCN gây ra cho môi trường chính là ô nhiễm nước thải, khí thải và chất thải rắn. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác môi trường đối với đời sống - xã hội, những năm qua Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN nhằm hạn chế tối đa những tác hại từ sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến đời sống người lao động và khu vực dân cư lân cận. Vì vậy, “để tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển các KCN Bắc Ninh giai đoạn 2010-2015”.

Thực trạng công tác triển khai và thực hiện pháp luật về Bảo vệ môi trường trong các KCN Bắc Ninh:

1. Các chính sách, pháp luật về môi trường:

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sau một quá trình triển khai trong thực tế, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 sửa đổi đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời cụ thể như:

- Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT, KCNC chưa thành một chỉnh thể thống nhất là do một cơ quan chịu trách nhiệm chính và điều kiện hành nghề của các đơn vị tư vấn…

-  Trước khi Luật bảo vệ môi trường năm 2005 sửa đổi có hiệu lực, các văn bản pháp luật về môi trường hầu như được quy định chung cho toàn bộ các dự án, không phân biệt dự án nằm trong KCN hay bên ngoài KCN. Trong các KCN ngoài các quy định chung của các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường năm 1993 còn thực hiện theo Quyết định số 62/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 09.8.2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường KCN; hiện đã được thay thế bằng Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15.7.2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quản lý và bảo vệ môi trường KKT, KCNC, KCN và CCN;

2. Việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật:

          Ban quản lý các KCN Bắc Ninh (ban quản lý) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường trong các KCN, tuy nhiên kết quả đạt được trong thời gian này chưa cao, hầu như mới chỉ mang tính chất đôn đốc, nhắc nhở là chính, thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện cũng như các chế tài xử lý vi phạm;

          Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong thời gian qua nhìn chung đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện, công tác thẩm định báo cáo ĐTM đã có nhiều tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên việc theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện báo cáo ĐTM và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM chưa được đặt ra một cách tích cực nên kết quả thực hiện báo cáo ĐTM chủ yếu dựa vào sự tự giác của chủ đầu tư;

Theo quy định đối với các Chủ đầu tư hạ tầng thì:

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư hạ tầng các KCN phải lập báo cáo ĐTM cho dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; báo cáo phải được thông qua hội đồng thẩm định cấp TW được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, phê duyệt;

Trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, chủ đầu tư hạ tầng các KCN phải thực hiện theo lộ trình như đã cam kết trong báo cáo ĐTM được phê duyệt; cụ thể: phải xây dựng hệ thống thoát mưa và thoát nước thải riêng biệt, phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải của KCN khi thải ra môi trường bên ngoài đạt tiêu chuẩn cho phép, phải có khu trung chuyển chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Đồng thời, phải trang bị các thiết bị để ứng cứu khi sự cố môi trường xảy ra;

 Khi đưa KCN vào hoạt động thì các nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM liên quan đến thu gom và xử lý chất thải phải thực hiện xong, ngoại trừ hệ thống xử lý nước thải có thể đầu tư từng phần theo tiến độ lấp đầy KCN, đồng thời hằng năm phải thực hiện chương trình giám sát môi trường cho cả KCN;

Tuy nhiên việc thực hiện đúng các quy định theo yêu cầu thì một số Công ty đầu tư phát triển hạ tầng còn bộc lộ nhiều hạn chế, cho đến nay chưa có Công ty nào có khu lưu trữ chất thải tạm thời theo quy định, hệ thống xử lý nước thải tập trung xây dựng chậm so với tiến độ đề ra trong báo cáo ĐTM.

Đối với các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp thì:

  Do KCN đã được phê duyệt báo cáo ĐTM tổng thể nên đối với các nhà đầu tư thứ cấp khi cấp CNĐT, tuỳ theo quy mô phải lập báo cáo ĐTM hoặc cam kết bảo vệ môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường nay là Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thẩm định và phê duyệt (bắt đầu từ tháng 11.2009 Ban quản lý tiếp nhận việc uỷ quyền thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án trong KCN tập trung) hoặc UBND huyện, thị, Thành phố xác nhận cam kết;

  Trong quá trình triển khai xây dựng doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, cụ thể như: báo cáo kế hoạch xây dựng, kế hoạch vận hành các công trình bảo vệ môi trường về cơ quan phê duyệt và thực hiện các quy định khác về bảo vệ môi trường đã được duyệt;

Mặc dù có quy định cụ thể tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ các quy định trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Các doanh nghiệp thứ cấp còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định trong báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án, có nhiều doanh nghiệp ý thức thực hiện chưa cao, thực hiện nhưng chưa đúng…do vậy hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt hành chính  doanh nghiệp trong các KCN với lỗi do không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường hoặc cá biệt có những doanh nghiệp xử phạt hành chính đến 02 lần.

Một số giải pháp và kế hoạch tăng cường công tác quản lý về môi trường trong các KCN là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn (2010-2015)

1. Giải pháp

Đến hết năm 2008 tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập 15 KCN tập trung; đồng nghĩa với việc những năm tiếp theo sẽ có nhiều các dự án được thu hút vào trong các KCN, đi kèm với nó là vấn đề môi trường ngày càng phải được quan tâm hơn. Do đó, nhiệm vụ đặt ra hết sức quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH là tăng cường công tác bảo vệ môi trường để làm sao vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh lại vừa hạn chế đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững. Do đó công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường và thực thi đầy đủ:        

Thứ nhất: Kiện toàn tổ chức bộ máy của Phòng Quản lý môi trường trực thuộc Ban quản lý, bổ sung thêm nhân sự mới nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác chuyên môn được giao.

Thứ hai: Hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường trong các KCN, tăng cường phối hợp liên ngành (nhất là với PC36 Công An tỉnh) nhằm nâng cao công tác kiểm soát ô nhiễm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Thứ ba: Đổi mới và nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo ĐTM và hoạt động sau thẩm định, tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện của các doanh nghiệp ngày từ khi xây dựng.

Thứ tư: Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện theo đúng các cam kết về bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cương quyết tạm đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp để tình trạng ô nhiễm kéo dài (như Công ty CP bia Á Châu).

Thứ năm: Khắc phục những tồn tại của KCN và các doanh nghiệp như:

- Yêu cầu tất cả các chủ đầu tư các KCN phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, xây dựng khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại theo đúng quy định của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15.7.2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quản lý và bảo vệ môi trường KKT, KCNC, KCN và CCN trong thời gian nhất định;

- Yêu cầu tất cả các dự án đầu tư trong KCN phải thực hiện nghiêm các quy định và yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc cam kết bảo vệ môi trường, đối với những doanh nghiệp có phát sinh nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi xả thải vào kênh tiêu thuỷ lợi. Các doanh nghiệp có khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép phải có hệ thống xử lý đảm bảo đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam trước khi xả thải. Tất cả các doanh nghiệp có chất thải nguy hại phải có hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để xử lý;

- Rà soát lại quá trình đấu nối nước thải và nước mưa; chấp thuận điểm đấu nối cho doanh nghiệp thứ cấp xả thải vào hệ thống kết cấu hạ tầng KCN khi KCN đưa nhà máy xử lý nước thải hoạt động và được UBND tỉnh cấp phép xả thải nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận;

Thứ sáu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; có chính sách khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ môi trường; xử phạt kịp thời, nghiêm minh, đủ mức răn đe mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Kế hoạch của Phòng Môi trường trong giai đoạn (2010-2015):

Từ thực trạng, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN cho từng giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn trong năm 2010

Một là, Hoàn thiện các quy chế, quy trình quản lý đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2005 sửa đổi và UBND tỉnh uỷ quyền để cụ thể hoá bằng quy trình ISO; Hoàn thiện quy chế phối hợp với các ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành;

Hai là, Công bố các quy trình ISO còn lại và sửa đổi các quy trình ISO đã công bố cho phù hợp với thực tiễn;

Ba là, tiếp tục rà soát và chấp thuận điểm đấu nối nước thải, nước mưa và chỉ đạo xây dựng song mạng thoát nước thải cho 02 KCN Tiên Sơn và Quế Võ;

Bốn là, Xây dựng tiêu chí về môi trường để phục vụ công tác thẩm định tiếp nhận dự án đầu tư, hạn chế tối đa nguồn phát thải ô nhiễm;

- Giai đoạn 2011-2012

Một là, kiện toàn bộ máy quản lý, đề nghị Lãnh đạo Ban bổ sung nhân sự chuyên môn cho Phòng môi trường để tham gia thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm soát ô nhiễm trong KCN;

Hai là, Tăng cường giám sát, kiểm tra doanh nghiệp trong triển khai thực hiện báo cáo ĐTM sau phê duyệt;

Ba là, Kiên quyết xử lý vi phạm, phối hợp với Công An tỉnh và các ngành liên quan phát hiện, xử phạt hành chính đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp không chấp hành và hoàn thiện hồ sơ để khởi tố những vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề đối với xã hội;

Bốn là, Tiến hành khảo sát, thí điểm trong công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn cho 01 KCN, do Công ty đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện theo quy định.

- Giai đoạn 2013-2015

Một là, Rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện của 02 giai đoạn trên, để củng cố và hoàn thiện những thiếu sót;

Hai là, Đề nghị thành lập Trung tâm quan trắc thuộc Ban quản lý để giám sát các hoạt động về môi trường trong các KCN, vì mức độ đưa các dự án đi vào hoạt động ngày càng tăng về số lượng; như vậy đồng nghĩa với việc chất lượng môi trường sống của nhân dân có thể bị suy giảm;

Ba là, Hoàn thiện tiêu chí để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dự án tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn; đồng thời chuyển đổi hoặc cơ cấu lại từng KCN theo hướng hình thành KCN chuyên ngành hoặc CNN chuyên ngành trong KCN. Kiên quyết không tiếp nhận những dự án có nguy cơ ô nhiễm cao đơn cử như những ngành tái chế, chế biến thực phẩm thô, các loại hình sản xuất hoá chất cơ bản, khai khoáng…dưới mọi hình thức.

Trên đây là bài viết tham luận xin phép được gửi đến Đại hội Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, để nhận được sự chia sẻ, đóng góp cho Phòng quản lý Môi trường ngày một trưởng thành hơn; chúc Đại hội thành công tốt đẹp ./.

Trân trọng cảm ơn!

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION
Rate exchange