BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BẮC NINH: NHÌN LẠI 12 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
14:52 08/12/2010
Ngay sau khi tái lập tỉnh, một trong các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội là tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề, vừa và nhỏ... Để triển khai nhiệm vụ trên, Tổ xúc tiến dự án khả thi các KCN tập trung tỉnh Bắc Ninh được thành lập ngày 14/5/1997 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến ngày 25/8/1998, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh được thành lập theo quyết định số 152/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi mới thành lập, Ban quản lý (BQL) các KCN Bắc Ninh chỉ có 11 cán bộ với 3 đơn vị chuyên môn. Sự phát triển các KCN đòi hỏi bộ máy tổ chức BQL các KCN từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hoá. Đến nay, BQL các KCN có 8 Phòng chuyên môn và 01 Trung tâm DVKCN với 35 biên chế đang bám sát, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008.

Mười hai năm, chặng đường chưa dài nhưng đủ để khẳng định BQL các KCN đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn. Ban quản lý đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý đối với các KCN như: Quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với KCN Bắc Ninh; Quy định thủ tục hồ sơ, quy chế phối hợp thẩm định hồ sơ dự án cấp Giấy phép đầu tư vào KCN; Các điều lệ quản lý KCN, quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết KCN… Đặc biệt, Ban quản lý đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư, các dự án của các tập đoàn đa quốc gia, dự án công nghệ cao là cơ sở bước đầu xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn; thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hoàn thiện các nghiệp vụ gắn với cải cách thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định nhưng thông thoáng, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp suốt vòng đời dự án. Ban quản lý đi tiên phong trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được cấp giấy chứng nhận vào tháng 12/2007 với trên 50 quy trình, quy định đang triển khai thực hiện. Kết quả đạt tiêu chuẩn Ban quản lý hạng I tại Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của UBND tỉnh. Điều đó phản ánh kết quả phấn đấu rất nỗ lực của cán bộ, đảng viên Ban quản lý, đánh dấu giai đoạn mới trong công tác xây dựng cơ quan gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Những nỗ lực phấn đấu của BQL các KCN góp phần quan trọng đưa các KCN trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình CNH, HĐH tỉnh Bắc Ninh, cụ thể được minh chứng qua các hoạt động cụ thể sau:

- Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các KCN: Ban đầu KCN Tiên Sơn khởi công xây dựng tháng 12/2000, đến nay đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 KCN, tổng diện tích 7.525ha (KCN 6.541ha và Khu đô thị 984ha), trong đó: 10 KCN đang triển khai xây dựng, đi vào hoạt động với số vốn đăng ký đầu tư hạ tầng 587 triệu USD, giải ngân đạt trên 50%; tỷ lệ lấp đầy 45,88% trên diện tích quy hoạch chi tiết được duyệt, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất đã thu hồi là 65% (là tỉnh đầu tiên áp dụng chỉ tiêu lấp đầy theo diện tích đất thu hồi, nhằm kế hoạch hoá sâu công tác sử dụng đất và tiết kiệm đất đai).

Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đã tham gia vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện rõ nhất là thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết như: Giao thông vận tải, điện, viễn thông… và tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía Bắc sông Đuống (phát triển công nghiệp và dịch vụ) và phía Nam sông Đuống (phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá cao sản). Đặc biệt đã thu hút được một số Chủ đầu tư hạ tầng KCN lớn, có năng lực, kinh nghiệm, khả năng làm tốt công tác tiếp cận và đàm phán với các nhà đầu tư lớn như: VSIP Bắc Ninh (Singapore), Kinh Bắc City, Viglacera Land; Đã thiết lập mô hình KCN gắn với đô thị nhằm phát huy lợi thế, tạo hình ảnh riêng biệt và diện mạo KCN hiện đại, góp phần hình thành chuỗi không gian kinh tế, đô thị trên địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội.  

- Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư: Xác định nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN là một trong những nhiệm vụ then chốt của Ban quản lý. Các KCN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn có thương hiệu mạnh ở trong và ngoài nước. Luỹ kế đến tháng 6/2010, thu hút được 422 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký 3,23 tỷ USD (184 Dự án FDI chiếm 2,3 tỷ USD), đạt 3,38 triệu USD/ha và 7,67 triệu USD/dự án. Riêng 02 năm 2008-2009, thu hút được 115 dự án thứ cấp (77 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 1,586 tỷ USD, đạt 5,05 triệu USD/ha và 13,8 triệu USD/dự án; đưa Bắc Ninh vào tốp các tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư của cả nước. Vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo với trình độ công nghệ tiến tiến của các tập đoàn đa quốc gia, riêng lĩnh vực điện tử chiếm khoảng 52,0% tổng vốn đăng ký, là cơ sở xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Công tác thu hút đầu tư có bước điều chỉnh, kết hợp thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội ngay từ đầu xây dựng mỗi KCN, đảm bảo sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy phát triển các KCN nhanh, bền vững. Mặt khác, công tác thu hút đầu tư theo hướng xây dựng hình ảnh đặc trưng cho các KCN. Mỗi KCN có nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu toàn cầu để kéo theo chuỗi các công ty vệ tinh trong lộ trình nội địa hoá, tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập KCN chuyên ngành, công nghiệp phụ trợ để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các KCN.

- Hiệu quả hoạt động của các KCN:  Đến tháng 6/2010 có 205 dự án đi vào hoạt động SXKD; dự kiến năm 2010, giá trị SXCN chiếm 50%, giá trị xuất khẩu chiếm 90% toàn tỉnh, thu hút gần 50.000 lao động trực tiếp, trong đó khoảng 50% là lao động địa phương. Đặc biệt, các dự án FDI có công nghệ tiên tiến, quy mô đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Canon, Samsung, ABB... vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông đã đi vào hoạt động, đang tiếp tục đầu tư mở rộng sẽ tạo ra sự đột phá về giá trị SXCN, xuất khẩu, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao và tăng thu ngân sách.

Các KCN đã đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm đất đai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương có đất thu hồi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; góp phần hình thành các khu đô thị, khu dân cư, dịch vụ gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội.

Với thành tựu đã đạt được và yêu cầu về định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh tốp đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh xác định tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng phát triển các KCN - Đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng hiện đại với công nghệ cao, công nghệ sạch. Ưu tiên thu hút các dự án của các tập đoàn đa quốc gia, dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đặc biệt làm rõ được ngành công nghiệp mũi nhọn là điện, điện tử, cơ khí chính xác, bởi đây là cơ sở quan trọng để Bắc Ninh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời thực hiện quy hoạch và đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa toàn bộ 15 KCN đi vào hoạt động. Xây dựng thương hiệu các KCN gắn với thương hiệu một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, ABB... nhằm góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Ninh. Xây dựng nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn ISO 14000; phấn đấu đến năm 2015, giá trị SXCN chiếm 70%, giá trị xuất khẩu chiếm 95% toàn tỉnh... Tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng thu ngân sách, chống hoạt động chuyển giá, chuyển nhượng bất hợp pháp, chống hạch toán “Lỗ công ty con, lãi công ty mẹ”. Thu hút lao động đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội nhằm “giữ chân” người lao động, góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội./.

Nguyễn Đăng Sản: Phó trưởng ban BQL các KCN Bắc Ninh
Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION CERTIFICATE OF ELIGIBILITY FOR LABOR SAFETY AND HYGIENE TRAINING ACTIVITIES
Rate exchange