Thứ nhất, ngay từ khi Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp mới được Quốc hội thông qua và năm 2005, Lãnh đạo Ban đã nhận thức sẽ có sự chuyển biến lớn trong hoạt động của Ban quản lý. Từ đầu năm 2007, BQL các KCN là đơn vị đi tiên phong trong tỉnh trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được cấp chứng nhận vào tháng 12/2007 với 43 quy trình, quy định (sau đây gọi chung là quy trình) chính thức triển khai thực hiện. Năm 2008, bổ sung 13 quy trình mới, bãi bỏ 18 quy trình chưa phù hợp và sửa đổi 02 quy trình. Năm 2009, bổ sung 02 quy trình mới; sửa đổi 03 quy trình. Năm 2010 bổ sung 04 quy trình mới, sửa đổi 05 quy trình. Tính đến thời điểm hiện tại, có 53 quy trình, quy định theo tiêu chuẩn ISO thực hiện tại Ban quản lý.
Có thể nói việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO là bước đột phá trong quá trình cải cách TTHC của Ban. Áp dụng ISO hiểu theo nghĩa đơn giản là phải văn bản hoá và chuẩn hoá các hoạt động. Việc áp dụng ISO đã tạo lập quy trình giải quyết TTHC một cách khoa học: (1) rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm và quyền hạn từ người lãnh đạo cao nhất đến từng đơn vị, cá nhân; (2) Làm rõ hơn nội dung yêu cầu của công việc và quá trình hình thành công việc mà mỗi đơn vị, cá nhân liên quan phải tuân thủ; (3) Phát hiện, điều chỉnh, hợp lý hoá một số chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc; một số khâu trong các thủ tục - quy trình; bổ sung và hệ thống hoá các tài liệu viện dẫn và sắp xếp, lưu giữ một số hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ hơn; rút ngắn được thời gian và giảm khối lượng công việc tồn đọng. (4) quan hệ giữa Ban quản lý với các Nhà đầu tư được cải thiện. Quan trọng hơn, ISO là tiêu chuẩn được áp dụng tại 170 nước, nó trở thành luật chơi trong quan hệ quốc tế về thương mại, hợp tác đầu tư và nhiều lĩnh vực khác; Vì vậy việc áp dụng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO là một thông điệp mà Ban quản lý gửi tới các Nhà đầu tư hiệu quả hơn là thuyết trình hay cam kết về chất lượng TTHC.
Thứ hai, việc triển khai đề án 30 của Chính phủ từ năm 2008. Đến cuối năm 2009, tổng số 22 TTHC được thống kê giai đoạn I, tổng số ngày giải quyết là 277 và có 120 giấy tờ, hồ sơ. Triển khai rà soát giai đoạn II, Ban quản lý đã giảm 70/277 ngày làm việc của tổng số 22 TTHC và giảm 19/120 số lượng giấy tờ, hồ sơ phải nộp. Kết quả, Ban quản lý đã đơn giản 41% TTHC, vượt mức Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là 30%.
Thứ ba, Ban quản lý luôn ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao chất lượng TTHC. Trước đây là phần mềm Lotus Note của Đề án 112, nay là phần mềm Eoffice quản lý văn bản, công văn đi đến. Các phần mềm này góp phần nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức và làm thay đổi cách thức quản lý của Lãnh đạo cũng như tiết kiệm chi phí cho Ban.
Thứ tư, Ban quản lý ứng dụng khoa học quản lý vào việc nâng cao chất lượng TTHC. Ban đã chủ trì, xây dựng, nghiên cứu đề tài khoa học “Ứng dụng Công nghệ thông tin - Giải pháp Văn phòng điện tử tại BQL các KCN Bắc Ninh” mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, giúp minh bạch hoá, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường làm việc năng động, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và quá trình xây dựng, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả và hoàn thiện bộ phận “một cửa” tại Ban quản lý. Đã triển khai tham mưu cho UBND tỉnh và chủ trì xây dựng Đề án phối hợp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các KCN với các Sở, ban, ngành trong tỉnh để tiến tới hình thành hệ thống “một cửa liên thông”.
Tuy nhiên, TTHC tại Ban còn tồn tại một số nhược điểm:
Thứ nhất, chưa bảo đảm tính ổn định cần thiết của quy trình thủ tục hành chính. Nguyên nhân là do sự hướng dẫn của các Bộ, ngành thường xuyên thay đổi, thiếu tính ổn định; Điển hình trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng, Ban quản lý phải thường xuyên thay đổi quy trình để phù hợp với Thông tư, Nghị định mới;
Thứ hai, việc thực hiện quy chế phối hợp với các Sở, ngành chưa được chi tiết hoá thành quy trình, việc cung cấp thông tin giữa các đơn vị còn nhiều hạn chế;
Thứ ba, Ban quản lý chưa có đủ các phần mềm cần thiết để chuẩn hoá số liệu giữa các đơn vị trong Ban;
Thứ tư, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức Ban chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế khi cần giao tiếp, hướng dẫn các Nhà đầu tư.
II. ĐÓNG GÓP CỦA VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI QUYẾT CÁC TTCH CỦA BAN
1. Đóng góp vào công tác thu hút đầu tư
Sau 10 năm phát triển các KCN, tỉnh Bắc Ninh đang dần trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về thu hút đầu tư của cả nước. Năm 2008 và năm 2009, tỉnh Bắc Ninh luôn đứng trong Top 10 tỉnh dẫn đầu trong cả nước về thu hút đầu tư; các tháng đầu năm 2010 đứng thứ 4 trong cả nước
Thu hút được các dự án lớn, dự án công nghệ cao trên thế giới: SamSung - Hàn Quốc (670 triệu USD); CaNon - Nhật Bản (130 triệu USD); ABB - Thuỵ Điển (40 triệu USD) …
2. Đóng góp vào chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của tỉnh Bắc Ninh:
Chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh qua các năm:
Năm |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
Thứ hạng |
23 |
22 |
20 |
16 |
10 |
Theo biểu trên ta thấy, thứ hạng của tỉnh Bắc Ninh nâng cao dần theo các năm và có sự nhảy vọt vào năm 2008 (tăng 4 bậc) và năm 2009 (tăng 6 bậc)
Chỉ số PCI được VCCI xây dựng năm 2005, lúc đầu có 9 chỉ số thành phần, từ năm 2006 trở về sau có 11 thành phần. Trong đó có 02 thành phần đánh giá chất lượng các TTHC là: (1) chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước và (2) chi phí gia nhập thị trường
Chi phí gia nhập thị trường: chỉ số thành phần này đo lường thời gian và mức độ khó, dễ mà doanh nghiệp trải qua để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và hoàn tất các giấy phép cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh.
Năm 2009, điểm số của tỉnh là 9,13, dẫn vùng Đồng bằng Sông Hồng về chỉ số thành phần này. Nhìn vào biểu đồ ta thấy, có sự nhảy vọt về điểm số này vào năm 2008 và năm 2009, trùng với thời điểm cải cách mạnh nhất TTHC tại Ban quản lý.
Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước: Chỉ số thành phần này đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi chấp hành các thủ tục hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan pháp luật của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Như vậy, chỉ số này đề cập đến hai khía cạnh của chi phí thời gian: thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và thời gian làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Năm 2009, Bắc Ninh có tổng điểm là 6.96, cao hơn điểm trung bình của cả nước nhưng vẫn kém điểm hơn 03 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (Ninh Bình, Hải Dương và Hưng Yên). Trong đó tiêu chí “quỹ thời gian để doanh nghiệp thực hiện các quy định của nhà nước” có điểm số rất thấp, Bắc Ninh có giá trị là 5, cả nước trung bình là 13,67 và so với điểm số cao nhất thì Bắc Ninh thấp hơn 6 lần. Nhìn vào biểu đồ ta thấy, chỉ số thành phần này không được cải thiện nhiều qua các năm và đến vẫn chưa đạt được đỉnh như năm 2005.
Có thể nói nếu chỉ số thành phần ‘chi phí gia nhập thị trường” đo lường chất lượng TTHC trước khi hoạt động sản xuất kinh doanh thì thành phần “Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước” đo lường chất lượng TTHC sau đầu tư (bắt đầu tiến hành các hoạt động sản xuất). Các thủ tục trước hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban quản lý có thể hoàn toàn tự quyết việc nâng cao chất lượng. Chỉ số “Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước”, liên quan nhiều đến hoạt động thanh, kiểm tra của các Sở, ngành; Ban quản lý đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng kết quả thực tế đã chứng minh cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn của Ban.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI QUYẾT CÁC TTHC CỦA BAN QUẢN LÝ
- Đề nghị các Bộ, ngành cấp trên thống nhất các thông tư, hướng dẫn để đảm bảo tính ổn định cho các TTHC tại Ban.
- Nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức Ban quản lý đáp ứng nhu cầu giao tiếp và hướng dẫn các Nhà đầu tư nước ngoài.
- Tiếp tục bổ sung, sửa đổi hệ thống ISO TTHC tại Ban theo hướng đơn giản, rõ ràng, nhanh gọn, chính xác, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
- Nâng tầm hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các TTHC, tiến tới các Nhà đầu tư có thể thực hiện các TTHC trên mạng Internet mà không phải trực tiếp đến trụ sở Ban. Xây dựng hệ thống dự liệu cơ sở (cấp phòng) để tiến đến tích hợp hoàn chỉnh thành cơ sở dự liệu tổng hợp với các tiêu chí và chỉ tiêu đáp ứng công tác phân tích hoạt động và điều hành quản lý
- Hoàn thiện hệ thống “một cửa liên thông” giải quyết các TTHC cho các nhà đầu tư vào KCN, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công.
- Tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh về chế độ thanh, kiểm tra của các Sở, ngành nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh./.