HOẠT ĐỘNG THƯƠNG LƯỢNG THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BẮC NINH
15:43 27/09/2011
Theo quy định của pháp luật lao động, Thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động có hai quá trình tương tác rất quan trọng là:

Một là, quá trình đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT;

Hai là, quá trình tranh chấp lao động và đình công.

Các quá trình này có mục đích chung là xác định quyền, lợi ích mà người sử dụng lao động dành cho tập thể người lao động để hai bên bắt đầu, tiếp tục hay chấm dứt quan hệ lao động. Trong  hai quá trình trên, quá trình đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT luôn được coi là quá trình quan trọng, là kênh tương tác chính để tạo dựng và duy trì quan hệ lao động lành mạnh. Nếu quá trình thứ nhất có vấn đề thì sẽ có nguy cơ xảy ra quá trình thứ hai.

Từ thực tế mối quan hệ lao động đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề mới mẻ, bức xúc, phức tạp, khó dự liệu, đòi hỏi cần có sự hài hòa về lợi ích, quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Vì vậy, việc thương lượng, ký kết  và thực hiện TƯLĐTT trong các loại hình doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng giải quyết hài hòa quan hệ lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Với mục đích thực hiện “4 thật”: Chủ thể thật, nội dung thật, thương lượng thật, thực hiện thật. Vấn đề “4 thật” phải đảm bảo: chủ thể có năng lực, có tâm quá trình thương lượng là thực chất TƯLĐTT có chất lượng quan hệ lao động tốt, hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, hiện tại, các KCN Bắc Ninh có 261 DN đi vào hoạt động, sử dụng 72.210 lao động. Có 149 công đoàn cơ sở được thành lập (trong đó: CĐCS thuộc khối HCSN: 2; NQD: 125; CĐCS chỉ đạo phối hợp: 22). Số DN có TƯLĐTT là 67 (TS 40; ĐĐ 7; QV 17; YP 3), chiếm 44,97%, số chưa có TƯLĐTT là 82,  chiếm 55,03%.

Một số doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả luôn duy trì việc ký kết TƯLĐTT với công đoàn cơ sở, thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và kết quả kinh doanh. Nội dung thương lượng, ký kết có nhiều điểm có lợi hơn so với quy định của pháp luật như: chế độ hiếu hỷ, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, giảm giờ làm việc, bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp thêm khi chấm dứt HĐLĐ, chế độ ăn giữa ca, tặng quà sinh nhật, các ngày lễ pháp định, khen thưởng, chế độ phúc lợi khác …Vì vậy, TƯLĐTT đã có tác dụng khuyến khích, phát huy dân chủ, vai trò và vị trí của BCH Công đoàn cơ sở đã được thể hiện rõ nét – là người đại diện cho tập thể người lao động để thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhằm đạt được những thỏa thuận với người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp mặc dù đã xây dựng TƯLĐTT, nhưng thực tế chất lượng TƯLĐTT chưa cao, chủ yếu còn sao chép luật; một số đơn vị chưa sửa đổi TƯLĐTT cho phù hợp với chính sách mới; một số chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết TƯLĐTT, nội dung thương lượng ít có lợi cho người lao động và không thể hiện nhiều trách nhiệm phía người sử dụng lao động.

Có thể nói, việc triển khai thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp cũng như việc thí điểm ở một số cấp ngành chưa được rộng khắp như mong muốn. Nhiều chủ sử dụng LĐ né tránh thương lượng, ký kết TƯLĐTT; chưa có sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia đối với CĐCS; một số bản TƯLĐTT chưa được tổ chức lấy ý kiến NLĐ; các cấp CĐ còn thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đề nghị, hướng dẫn các DN thương lượng và ký kết TƯLĐTT.   

Nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật chưa rõ về đối tượng, thời gian thương lượng, chưa quy định vai trò của cơ quan lao động hỗ trợ hai bên thương lượng (người lao động - chủ doanh nghiệp), thiếu chế tài xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Người sử dụng lao động vẫn còn đang còn xem nhẹ quyền lợi người lao động, né tránh việc ký kết cũng như thực hiện thoả ước, thiếu tôn trọng quy tắc ứng xử đối với tổ chức công đoàn. Các tổ chức công đoàn không phải khi nào cũng đủ bản lĩnh và năng lực về thương lượng; việc thanh tra lao động chưa thường xuyên, kém hiệu quả dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về TƯLĐTT.

Qua thực trạng, nguyên nhân và hạn chế của việc thương lượng TƯLĐTT tại các DN KCN Bắc Ninh, thời gian tới chúng ta cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, đề nghị Tổng LĐLLĐ VN, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ phấn đấu đạt tỷ lệ cao số DN có CĐCS ký kết TƯLĐTT; tổ chức đào tạo cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, cán bộ CĐCS có kiến thức, kỹ năng về thương lượng, ký kết TƯLĐTT; CĐ cấp trên cơ sở tổ chức thương lượng, bổ sung các quy định mới có chất lượng.

Hai là, đề nghị LĐLĐ tỉnh thành lập đội ngũ chuyên gia đàm phán thương lượng TƯLĐTT được lựa chọn từ LĐLĐ tỉnh và CĐ ngành, huyện; phân bổ chỉ tiêu về số đơn vị ký kết và số đơn vị sửa đổi bổ sung TƯLĐTT trong năm  cho các CĐ ngành, huyện để chỉ đạo thực hiện. Các chuyên gia này sẽ xuống hỗ trợ các CĐCS tiến hành đàm phán (thương lượng) với chủ doanh nghiệp để ký Thỏa ước lao động tập thể. Xây dựng và phổ biến những Thoả ước mẫu, Thỏa ước khung để các doanh nghiệp và công đoàn làm căn cứ thương lượng.

Ba là,  đẩy mạnh việc tiến hành thương lượng tập thể và ký TƯLĐTT. Có phương án thương lượng tập thể để ký thoả ước cấp ngành. Thực hịên các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ thương lượng và ký thoả ước lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa phương có đông công nhân, theo hướng hình thành các nhóm đầu tầu trong việc thương lượng và ký thoả ước với sự tham gia hỗ trợ thương lượng và giám sát việc thực hịên của cơ quan ba bên. Hình thành cơ chế thường trực cấp tỉnh, với chức năng thúc đẩy đối thoại ở các cấp, kịp thời ngăn ngừa tranh chấp, phát hiện và giải toả xung đột, không để tích tụ bùng nổ thành đình công.

Bốn là, đối với đại diện người sử dụng lao động (VCCI; Liên minh Hợp tác xã): định hình rõ tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động ở cấp trung ương và địa phương để hình thành cơ chế ba bên và xác định rõ đối tác đối thoại, thương lượng.

Năm là,  hình thành và tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan, tổ chức về quan hệ lao động, bao gồm các dịch vụ trung gian, hoà giải, thương lượng. Các cơ quan này là cơ quan cung cấp dịch vụ miễn phí nhằm tăng cường khả năng đối thoại và thương lượng cho các bên trong quan hệ lao động; thực hiện công tác hoà giải.

Sáu là, thực hiện giải pháp về chính sách thị trường lao động: trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần đưa yếu tố cung ứng lao động (về số lượng và cơ cấu tay nghề) ngang với các yếu tố về hạ tầng khác như điện, nước, giao thông,..Tránh để tình trạng thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp tập trung (đây là yếu tố cơ bản để đình công, lãn công không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật có nguy cơ xảy ra). Tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện ăn ở, sinh họat của người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh như kế hoạch về nhà ở, về điều kiện văn hóa, xã hội...

Bảy là,  tăng cường năng lực cho công đoàn cơ sở. Việc CĐCS thực hịên thương lượng tập thể nói chung và chịu trách nhiệm về các vấn đề quan hệ lao động từ phía người lao động nói riêng như hiện nay đã đặt cán bộ CĐCS ở thế phải thực hịên một nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Họ thiếu hai thứ quan trọng là: năng lực đàm phán và vị thế đàm phán. Đàm phán là một công việc khó khăn, đòi hỏi người trực tiếp đàm phán phải có kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghịêm đàm phán. Nhưng đối với người lao động, họ là những người công nhân, mà phần lớn xuất thân từ nông dân hoặc lao động ở nông thôn nên việc yêu cầu những người công nhân – cán bộ CĐCS này phải có được những yêu cầu nói trên là không thực tế. Điều thiếu thứ hai là vị thế: với tư cách là người lao động hưởng lương của chủ doanh nghiệp, người lao động thường có tâm lý ngại đàm phán với chủ, mọi việc đều chấp hành theo mệnh lệnh của cấp trên (mà trong nhiều trường hợp, dễ dẫn đến cảm giác đấu đầu, đấu lý). Hoặc trong trường hợp có đàm phán thì người cán bộ công đoàn cũng khó có thể đàm phán một cách thẳng thắn, quyết liệt khi ở vào vị thế trên.

Tám là, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của các quy định pháp luật hiện hành, làm cho việc thực thi pháp luật được hiệu quả hơn, đặc biệt là quy định về xây dựng TƯ LĐTT đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh hình thức.

Chín là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn, người lao động để nâng cao việc thực hiện PLLĐ./.

                                                                     Hoàng Thị Thu Hải - Trưởng phòng Quản lý Lao động

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION CERTIFICATE OF ELIGIBILITY FOR LABOR SAFETY AND HYGIENE TRAINING ACTIVITIES
Rate exchange