TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC NINH
11:30 11/09/2015
Tính đến hết tháng 8/2015, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã thu hút 886 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12,04 tỷ USD, trong đó có 555 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10,67 tỷ USD chiếm tỷ trọng 88,6% tổng vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp.

Các dự án thu hút vào các KCN trong giai đoạn 2008-2014 đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Đa số dự án sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất (bao gồm cả chuyển giao công nghệ) của các dự án FDI trong giai đoạn này đạt 2.772,3 triệu USD chiếm 60,02% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN tỉnh Bắc Ninh.

Việc thu hút nhiều dự án đầu tư đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi về hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động đảm bảo xây dựng môi trường làm việc tốt, đúng chính sách pháp luật, phát huy thể lực và trí lực của người lao động, tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, của KCN.

1. Kết quả hoạt động của các dự án FDI tại các KCN:

Về giá trị sản xuất công nghiệp:

Qua từng năm, lũy kế đến hết quý 2 năm 2015, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã có 486 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh. Các Khu công nghiệp Bắc Ninh đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Về xuất, nhập khẩu:

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các Khu công nghiệp Bắc Ninh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Điều đó, đã nâng cao tỷ trọng đóng góp về giá trị kim ngạch xuất khẩu của các Khu công nghiệp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2014 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 23,6 tỷ USD, nhập khẩu 19,7 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 9,598 tỷ USD, nhập khẩu 7,960 tỷ USD.

Bên cạnh sự đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, các Khu công nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Bắc Ninh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế thông qua trao đổi thương mại, thu hút đầu tư.

Về nộp ngân sách:

Qua các năm, tỷ lệ nộp ngân sách của các doanh nghiệp liên tục tăng. Năm 2011, các doanh nghiệp KCN Bắc Ninh đã nộp ngân sách của 2.653 tỷ đồng, chiếm 36.8% tổng thu ngân sách tỉnh; Năm 2012, nộp ngân sách 3.980 tỷ đồng chiếm 43,9% cả tỉnh; năm 2013 nộp ngân sách 4.500 tỷ đồng chiếm 39,02%, trong đó doanh nghiệp FDI nộp 4.150 tỷ đồng. Năm 2014, các Khu công nghiệp nộp ngân sách đạt 6.500 tỷ đồng, chiếm 54% so với cả tỉnh. 5 tháng đầu năm 2015 nộp 2.290 tỷ đồng.

Về sử dụng lao động:

Tính đến hết quý 2/2015, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã giải quyết việc làm cho 193.198 lao động, trong đó lao động địa phương là 63.494 người (32,9%), lao động nữ là 133.738 người (69,2%), lao động nước ngoài 2.331 người (1,2%). Việc thu hút nhiều lao động làm việc tại các Khu công nghiệp cho thấy hiệu quả xã hội đem lại từ các Khu công nghiệp là rất lớn. Thu nhập bình quân của người lao động trong các Khu công nghiệp đạt 5,404 triệu đồng/người/tháng.

2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về lao động trong các Khu công nghiệp:

- Công tác tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong khu công nghiệp

Nhằm giúp người lao động, cán bộ quản lý nắm vững các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động, tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và thể hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, tránh xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Nhận thức được điều đó, những năm qua công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách cho NLĐ ở các KCN được Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh hết sức chú trọng, phối hợp LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công đoàn các KCN, tổ chức công đoàn cơ sở, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ...tổ chức thực hiện định kỳ hàng năm theo từng Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Công đoàn các Khu công nghiệp thực hiện các buổi tập huấn, giới thiệu, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động, quyền, lợi ích và trách nhiệm của người sử dụng lao động, của người lao động trực tiếp cho từng doanh nghiệp trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp thông qua tổ chức Công đoàn.

- Công tác dự báo nhu cầu về lao động của các Khu công nghiệp

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động của các doanh nghiệp Khu công nghiệp, phù hợp với quá trình phát triển các Khu công nghiệp, công tác quy hoạch nguồn nhân lực hết sức quan trọng. Quy hoạch nguồn nhân lực phải đảm bảo đáp ứng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực và dựa trên sự chính xác của công tác dự báo nguồn nhân lực. Công tác dự báo nguồn nhân lực của Ban quản lý các Khu công nghiệp được thực hiện theo quy trình sau:

+ Thống kê nhu cầu lao động của các dự án đầu tư. Nội dung này được các nhà đầu tư thể hiện rõ tại Giải trình kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời dựa trên kế hoạch thu hút đầu tư về số lượng dự án, quy mô vốn đầu tư và diện tích đất cho thuê hàng năm và từng giai đoạn vào các Khu công nghiệp.

+ Tổng hợp số lượng, chất lượng lao động tại các Khu công nghiệp.

+ Tính toán tỷ lệ tăng trưởng lao động hàng năm và bình quân cho giai đoạn làm cơ sở cho công tác dự báo.

+ Tính toán tỷ lệ lao động bình quân theo diện tích đất cho thuê và theo dự án; tỷ lệ tăng lao động bình quân theo tiêu chí trên cho từng năm và từng giai đoạn.

+ Xây dựng phương pháp dự báo theo tốc độ tăng bình quân về lao động, số lượng dự án và diện tích đất cho thuê.

+ Tổng hợp chung, tìm sai số và đưa ra số liệu dự báo về nhân lực (bao gồm cả số lượng và chất lượng nhân lực).

Những năm qua, bằng phương pháp dự báo nêu trên, Ban quản lý các Khu công nghiệp đã dự báo chính xác nhu cầu về lao động cho quá trình phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để xây dựng Đề án quy hoạch nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng cho quá trình phát triển các Khu công nghiệp.

- Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về lao động

Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện theo định kỳ hàng năm đối với các doanh nghiệp, có sự phối hợp trong thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giữa Ban quản lý các Khu công nghiệp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội…tạo nên sự thống nhất và hiệu quả trong công tác kiểm tra, thanh tra.

Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động như: xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về bảo hiểm đối với người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra đôn đốc, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về lao động; đồng thời phát hiện những hành vi cố ý vi phạm pháp luật, nghiêm khắc xử phạt.

Với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đều thực hiện tốt chính sách, pháp luật về lao động tạo sự tin tưởng và yên tâm làm việc cho người lao động, giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động và đình công, lãn công tại các Khu công nghiệp.

- Công tác thực hiện các thủ tục hành chính về lao động

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong việc phê duyệt nội quy lao động; tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể; tiếp nhận thông báo làm thêm đến 300 giờ/năm cho DN KCN; xác nhận nhân sự chủ chốt; chấp thuận kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi thực tập, nâng cao tay nghề tại nước ngoài; cấp, cấp lại Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các Khu công nghiệp... Ban quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên đã được Ban quản lý các Khu công nghiệp xây dựng thành quy trình ISO theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và được công khai minh bạch trên Website, tại bộ phận “một cửa”, trụ sở làm việc của Ban quản lý các Khu công nghiệp. Một số quy trình thủ tục hành chính được Ban quản lý rút ngắn thời gian thụ lý so với quy định của pháp luật, được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động đối với các trong Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

-  Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, văn bản, pháp luật

UBND tỉnh, BQL KCN thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các DN, nhà đầu tư, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên bám sát từng DN nắm tình hình về lao động.

   BQL thực hiện việc yêu cầu báo cáo tình  hình sử dụng lao động định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm đối với các DN trong KCN phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới cách thức quản lý lao động để công tác quản lý lao động đạt hiệu quả tốt nhất.

- Tăng cường phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý

BQL KCN chủ trì làm việc với các ngành liên quan về tăng cường quản lý NLĐ, đặc biệt là LĐ nước ngoài; phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện việc tuyên truyền đến từng nhóm lao động nhằm ổn định tình hình và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, gắn quản lý lao động với việc quản lý an ninh, trật tự. Việc quản lý lao động còn được thực hiện gắn với quản lý tạm trú, lưu trú của người lao động, đối với lao động nước ngoài đăng ký lưu trú, tạm trú chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng cho người nước ngoài và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở có người nước ngoài lưu trú, tạm trú.

Công tác tuyên truyền được thực hiện đi đôi với công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm việc sử dụng lao động của các DN.

- Tập trung công tác đào tạo, hỗ trợ tuyển dụng lao động

BQL KCN phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động tới các DN sau quá trình đào tạo, mở sàn giao dịch việc làm… để đáp ứng cung – cầu lao động cho các DN tại KCN. Phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm mở các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm cho lao động có nhu cầu làm việc tại KCN, đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng.

Đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung, huyện Yên Phong nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thành lập và xây dựng các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hoàn thiện chính sách thu hút lao động là người địa phương về làm việc tại các DN KCN Yên Phong khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

- Thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động

Nhà nước, chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ- TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN, Quyết định số 67/2009/QĐ- TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Việc triển khai xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu cho NLĐ được Trung ương và tỉnh quan tâm, hỗ trợ tối đa.Tại KCN Yên Phong đã xây dựng hoàn thành dự án nhà ở công nhân với quy mô đáp ứng 35.000 chỗ ở tại xã Đông Phong. Việc xây dựng nhà ở công nhân tập trung góp phần phát huy hiệu quả tiết kiệm được tài nguyên và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và an ninh, giúp NLĐ quen dần với lối sống hiện đại. Các dịch vụ đi kèm được tổ chức quy mô chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của công nhân. Đồng thời phát huy vai trò quản lý của nhà nước, qua đó kịp thời theo dõi, thu thập thông tin, đề xuất cơ chế chính xác, kịp thời..

- Xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động

Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn môi trường làm việc tạo môi trường làm việc có sự hạn chế tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định này của doanh nghiệp. Đồng thời, đôn đốc thành lập tổ chức Công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện cho người lao động. Môi trường làm việc tốt là cơ sở để người lao động yên tâm làm việc, giảm sự biến động lao động do sự chuyển dịch lao động giữa các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.

Cùng với việc xây dựng nhà ở cho người lao động, cần có giải pháp tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ người lao động.

- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra

Công tác kiểm tra, thanh tra cần có sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, ngành chức năng có liên quan tránh chồng chéo gây phiền hà và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách pháp luật, hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện các chính sách về lao động của doanh nghiệp. Thông qua kiểm tra, thanh tra tổng hợp đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động; có nhân điển hình tiên tiến qua khen thưởng, có xử phạt làm biện pháp dăn đe.

Người lao động là cốt lõi, là trọng tâm của hoạt động sản xuất, là nhân tố tạo nên giá trị gia tăng cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, của các Khu công nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động là hết sức quan trọng, thiết yếu trong quá trình phát triển nhanh, bền vững các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh thời gian tới. Quá trình thực hiện cần có sự kết hợp đồng bộ các giải pháp, giải pháp này là cơ sở, tiền đề để thực hiện có hiệu quả các giải pháp khác, tạo nên hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước về lao động đối với các Khu công nghiệp./.

Nguyễn Thị Thu Hường

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION
Rate exchange