Th.sỹ Ngô Sỹ Bích
Trưởng ban Ban quản lý các KCN Bắc Ninh
Với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt với tinh thần chủ động, quyết liệt, vượt khó của cán bộ, công chức, viên chức Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, khẳng định vai trò của các Khu công nghiệp là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2015, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 15 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
Tính đến nay, Bắc Ninh có 15 Khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất quy hoạch 6.847ha; đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng diện tích 5.961ha, đạt 87,06% (5.961ha/6.847ha); cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, tổng vốn đầu tư triệu USD. Trong đó, có 08 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch 2.654,12ha, diện tích đất công nghiệp dành để cho thuê 1.810,57ha, vốn đầu tư hạ tầng đăng ký 909,83 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 314,84 triệu USD; cho thuê 1.278,7ha đất công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 70,6% (1.278,7ha/1.810,57ha), tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi đạt 84,5% (1.278,7ha/1.512,97ha).
Các Khu công nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá của tỉnh, thể hiện ở những kết quả nổi bật sau:
1. Hình thành hệ thống các Khu công nghiệp trên cơ sở chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chiến lược quy hoạch ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.
Các Khu công nghiệp được thành lập và phát triển phù hợp với mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch ngành, địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất…được triển khai một cách linh hoạt theo điều kiện, nhu cầu phát triển của các địa phương.
2. Các Khu công nghiệp đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá của tỉnh.
Trong 15 năm qua, với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính đơn giản, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Số dự án và tổng vốn đầu tư hàng năm đều tăng. Tính đến 30/6/2013, các Khu công nghiệp đã thu hút 622 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.584,73 triệu USD. Trong đó, dự án trong nước 291 dự án, vốn đầu tư đăng ký 22.507,175 tỷ đồng; dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài 331 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.459,37 triệu USD.
3. Các Khu công nghiệp đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng trong toàn tỉnh.
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp Bắc Ninh khoảng 341,84 triệu USD. Hình thức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đa dạng, đồng bộ, hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp.
4. Các Khu công nghiệp có đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thực tế 15 năm xây dựng và phát triển các Khu công nghiệp cho thấy, các Khu công nghiệp đã có những đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP của tỉnh.
Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu công nghiệp đều vượt, năm sau cao hơn năm trước.
Nếu tính bình quân 1ha đất công nghiệp tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 213,55 tỷ đồng/ha, giá trị xuất khẩu 10,65 triệu USD/ha, tạo việc làm cho hơn 100 lao động/ha thì có thể thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của Khu công nghiệp. Mặt khác các Khu công nghiệp tác động rất tích cực thúc đẩy phát triển các loại dịch vụ, nâng cao hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội của người dân ven Khu công nghiệp nâng cao rõ rệt.
5. Các Khu công nghiệp đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ người lao động.
Lực lượng lao động trong Khu công nghiệp gia tăng cùng sự gia tăng các dự án hoạt động trong Khu công nghiệp. Đến nay các Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 121.407 lao động, trong đó 43.638 lao động địa phương chiếm 35,9%. Đã hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại. Đã có 7 dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp được khởi công xây dựng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 30 nghìn lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển Khu công nghiệp, có thể nói những thành tựu, đóng góp của các Khu công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cơ bản, nổi bật. Song là mô hình mang tính đặc thù, vừa triển khai, vừa điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế theo từng giai đoạn phát triển, các Khu công nghiệp vẫn còn bộc lộ những hạn chế, những khó khăn cần phải tiếp tục nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới.
Những hạn chế có thể tổng hợp trên các mặt chủ yếu sau đây:
* Chất lượng công tác quy hoạch Khu công nghiệp và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, chưa tính tới yếu tố liên kết ngành và vùng; chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch với các mục tiêu và phâ kỳ hợp lý dựa trên khả năng thu hút đầu tư thực tế của từng Khu công nghiệp, chưa tận dụng được tiềm năng phát triển của địa phương.
* Hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao. Các chủ đầu tư Khu công nghiệp chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, môi trường…
* Công tác bảo vệ môi trường Khu công nghiệp vẫn còn bất cập. Chủ doanh nghiệp vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thật chặt chẽ.
* Công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
* Đời sống công nhân trong Khu công nghiệp còn nhiều khó khăn. Thu nhập thực tế của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN TỚI
1. Quan điểm.
- Phát triển Khu công nghiệp phải tuân thủ quy hoạch được duyệt, thường xuyên rà soát điều chỉnh quy hoạch đảm bảo xác định được định hướng ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế phát triển của địa phương.
- Phát triển Khu công nghiệp phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế hài hoà với các yếu tố xã hội, môi trường hướng tới phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
2. Định hướng.
Trong giai đoạn tới, các Khu công nghiệp cần xây dựng và phát triển theo một số định hướng cơ bản sau:
- Nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Xây dựng, triển khai quy hoạch Khu công nghiệp gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành.
- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào đảm bảo tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho Khu công nghiệp. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân Khu công nghiệp, đồn công an, trung tâm y tế…
- Cải thiện chất lượng thu hút đầu tư, ưu tiên ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển (điện, điện tử, viễn thông…); dần hình thành công nghiệp phụ trợ.
- Kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật môi trường; tăng cường giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường…